Vở kịch Đồng chí đến Liên hoan sân khấu Busan
23/06/2025 09:37
Nhận lời mời của Hiệp hội Sân khấu Busan (Hàn Quốc), Hội Sân khấu TP.HCM sẽ đem vở diễn Đồng chí đến với những ngày hội sân khấu này.
Cảnh trong vở kịch Đồng chí - Ảnh: LINH ĐOAN
Đồng chí (tác giả: Lê Thu Hạnh, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu - Quốc Thịnh) là vở kịch do Hội Sân khấu TP.HCM đầu tư, đã đoạt giải vàng Liên hoan sân khấu TP.HCM đầu tiên vào tháng 11-2024.
Đồng chí do chủ tịch Hiệp hội Sân khấu Busan chọn
Ông Trần Ngọc Giàu, chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, cho Tuổi Trẻ Online biết chủ tịch Hiệp hội Sân khấu Busan, ông Jungnam Lee, đã xem vở Đồng chí đến hai lần. Ông cũng từng xem một số vở diễn khác trong Liên hoan sân khấu TP.HCM lần 1 và cuối cùng quyết định mời Đồng chí đến với Liên hoan sân khấu Busan.
Đây là liên hoan được tổ chức lần thứ 43, kéo dài từ ngày 3 đến 20-4.
Ông Tôn Thất Cần, phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, thông báo chi tiết lịch trình: sau lễ khai mạc ngày 3-4, ngày 4-4 ê kíp Đồng chí sẽ chạy vở để chuẩn bị cho hai suất diễn trong liên hoan là ngày 5 và 6-4.
Ngày 7-4, đoàn giao lưu với Hiệp hội Sân khấu Busan và ngày 8-4 trở về TP.HCM, kết thúc chuyến đi.
Nghệ sĩ Mỹ Uyên cũng chia sẻ thêm vì để hạn chế số người nên ê kíp Đồng chí cũng đã nhờ thêm một số diễn viên tại Hàn Quốc làm dàn múa, vai quần chúng hỗ trợ vở.
Ban tổ chức cho biết khán giả xem vở có cả khán giả Hàn Quốc và kiều bào Việt Nam. Vở sẽ có chạy phụ đề và được rút ngắn thời lượng xuống dưới 2 tiếng so với nguyên gốc.
Trong thời bình, người lính cũng đối diện với những nỗi đau gai góc không kém thời chiến - Ảnh: LINH ĐOAN
Mong có thêm cơ hội học hỏi
Ông Trần Ngọc Giàu nhớ lại cách đây mười mấy năm, ông từng đưa vở Bước qua lời nguyền của Nhà hát kịch TP.HCM với các nghệ sĩ như Đàm Loan, Chánh Thuận, Tuyết Thu, Quách Hồ Ninh, Lê Diễn… tham dự Liên hoan sân khấu châu Á tại Busan.
Đây được xem là lần thứ 2, kịch nói thành phố đến với liên hoan này.
Vì vậy ông Giàu mong muốn ngoài các buổi diễn chính, ê kíp sẽ cố gắng xem càng nhiều càng tốt để tìm hiểu cách thức tổ chức, xem coi ngoài cách diễn truyền thống trong sân khấu hộp thì họ sẽ còn diễn kịch ở những không gian như thế nào, xử lý ra sao, có những xu hướng, ứng dụng gì mới…
"Tôi nhớ trước đây tôi và cố đạo diễn Huỳnh Nga từng xem một vở diễn ở sân bóng rổ, ban tổ chức phát tờ giấy cho người xem ngồi bệt xuống coi. Vậy mà cách xử lý, cách diễn của nghệ sĩ chạm đến trái tim khiến chúng tôi coi đến hai lần mà vẫn khóc" - ông Giàu kể.
Ông còn nói có những sân khấu nhỏ thôi, chừng 50-70 ghế, không có quá nhiều điều kiện về âm thanh, ánh sáng mà nghệ sĩ vẫn biết cách xoay xở, sáng tạo rất hay. Điều mà ông tự hỏi và muốn đi tìm lời đáp là tại sao liên hoan này không hề có giải thưởng, không có huy chương nhưng vẫn thu hút và duy trì đến nay là lần thứ 43.
"Ở mình, nếu một hội diễn, liên hoan mà không có giải thưởng, huy chương liệu nghệ sĩ có bỏ công bỏ sức tập luyện để tham gia hay không?" - ông Giàu băn khoăn.
Theo Tuoitre
Các bài viết liên quan

BoA bất ngờ hủy concert vì mắc bệnh hoại tử xương cấp tính

Danh hài Lee Soo Geun gánh nợ 720 triệu won để vợ yên tâm chạy thận

Lễ hội nhạc Jazz Jirisan 2025 sẽ diễn ra tại chùa Cheoneunsa vào tháng 8
